|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh một số việc cần làm ngay để bảo vệ môi trường.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, phải giải quyết được quan hệ giữa bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế-xã hội và phát triển kinh tế-xã hội nhưng phải bảo đảm môi trường.
“Không thể vì kinh tế để ảnh hưởng môi trường, nhưng cũng không chỉ vì môi trường mà không phát triển kinh tế”, Phó Thủ tướng nói.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương chỉ đạo phối hợp với các địa phương để rà soát lại tất cả các quy hoạch có liên quan đến bảo vệ môi trường như quy hoạch khu kinh tế, công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch làng nghề, quy hoạch xây dựng nông thôn mới … để bổ sung đầy đủ các trạm xử lý nước thải, các nhà máy xử lý chất thải rắn, các điểm xử lý chất thải độc hại, quy hoạch nghĩa trang...
“Bên cạnh đó, xác định lại các vị trí xả thải, đặc biệt là các điểm xả thải ra môi trường. Chú ý bố trí các điểm xả thải ra môi trường thuận tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát tiêu chuẩn về nước thải”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương xây dựng bản đồ chi tiết các vị trí sạt lở nguy hiểm ở vùng trung du miền núi khi xảy ra mưa lũ, từ đó quy hoạch việc di dời người dân, xây dựng kế hoạch đầu tư ngắn, trung và dài hạn để cân đối vốn đầu tư.
Yêu cầu kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng cũng được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các địa phương và đơn vị liên quan để kiểm tra, đánh giá lại tác động môi trường của tất cả các dự án đã được cấp phép, đang triển khai hay đang chuẩn bị đầu tư, từ đó kịp thời phát hiện những dự án không phù hợp để có biện pháp xử lý kịp thời.
“Cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng, trong đó coi việc bảo đảm vệ sinh môi trường là điều kiện bắt buộc để cấp phép. Bộ KH&CN cần có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ công nghệ của các dự án đầu tư, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nói.
Để xử lý hiệu quả chất thải, cần thiết phải đầu tư các cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp. Bộ KH&ĐT phối hợp với các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương, Y tế chỉ đạo phối hợp với các địa phương căn cứ quy hoạch các cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải độc hại để xây dựng kế hoạch đầu tư. Trong đó, xác định rõ các công trình cần làm ngay, các công trình đầu tư trọng điểm, các công trình đầu tư dài hạn để cân đối nguồn lực, huy động nguồn lực từ xã hội. Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ kỹ thuật trong nước.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu việc cần làm ngay là kiểm soát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường. Bộ TN&MT phối hợp chặc chẽ với các địa phương và bộ, ngành liên quan kiểm tra các trạm xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trước khi cho phép hoạt động.
Đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ đang hoạt động mà có xả thải ra môi trường, nhất thiết phải được quản lý bằng hệ thống quan trắc nối mạng để kiểm soát hoạt động 24/24 giờ. Kiên quyết xử lý, thậm chí đóng cửa các cơ sở vi phạm.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra các vi phạm môi trường. Lực lượng thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường cần xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra để bảo đảm các yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đề xuất, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng cơ chế để huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường.
Nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ trong bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cần có giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực của các tổ chức, đơn vị làm nhiệm vụ quản lý môi trường.
Xuân Tuyến