4:04 PM, 05/07/2016

Ngày cuối tuần của Phó Thủ tướng

Ngày thứ bảy cuối tuần, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ có mặt tại Khu Kinh tế Nghi Sơn - Thanh Hóa.

Phó Thủ tướng kiểm tra việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Công việc của ông là kiểm tra công tác xây dựng, vận hành một số nhà máy, tổ hợp nhà máy lớn tại khu kinh tế này. Và toàn bộ nội dung là xoay quanh các phương án xử lý chất thải, xả thải.

Còn hơn cả Vũng Áng, Nghi Sơn là khu kinh tế tập trung với hàng loạt những nhà máy công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, thép, xi-măng, nhiệt điện... sử dụng diện tích đất và mặt nước rất lớn. Và thứ đi kèm là nhu cầu xả thải, là nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu việc xả thải không được kiểm soát tốt.

Có một chi tiết nhỏ là ý kiến của Thanh Hóa về nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đang phải tạm dừng việc xả nước thử áp/xúc rửa đường ống sau sự cố Vũng Áng đến nay vẫn chưa có sự chấp thuận, chưa có ý kiến cuối cùng từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Phó Thủ tướng, khi ấy, đã nhắc đến “bài học Formosa”, nhắc đến 2 chữ “cảnh giác”, và nhắc đến “trách nhiệm bảo vệ môi trường”:

Bắt buộc phải có hệ thống xử lý phù hợp với từng nhà máy. Bắt buộc phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung trong từng khu công nghiệp - Phó Thủ tướng khẳng định.

Và việc giám sát xả thải phải theo đúng các quy định của luật, theo các thông lệ quốc tế.

“Dù chậm một chút nhưng bảo đảm chắc chắn, bền vững. Kiên quyết lấy môi trường là yêu cầu bắt buộc cho hoạt động của các nhà máy. Nếu không đạt các tiêu chuẩn môi trường, phải yêu cầu dừng lại để hoàn thiện” - ông nói, đồng thời chỉ đạo Bộ TN&MT nhanh chóng hỗ trợ Thanh Hóa lắp đặt các trạm quan trắc môi trường, nối mạng 24/24h với cơ quan quản lý Nhà nước. Việc lắp đặt trạm quan trắc phải được thực hiện tại tất cả các cơ sở có xả thải ra môi trường, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, không loại trừ bất kỳ ai.

Chuyến kiểm tra vấn đề xả thải, và vấn đề bảo vệ môi trường của một Phó Thủ tướng, tại một trong những khu kinh tế trọng điểm, chỉ 48 tiếng sau khi Chính phủ chính thức công bố nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết ở miền Trung có ý nghĩa như một biểu tượng cho thấy quyết tâm của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Một quyết tâm lấy môi trường là yêu cầu bắt buộc cho mọi hoạt động. Một quyết tâm kiểm tra, xử lý - không có loại trừ. Một quyết tâm không đánh đổi, không hy sinh môi trường dù lợi ích kinh tế lớn đến thế nào!

Formosa đã là một bài học quá đắt, quá đủ rồi! Và hai chữ “cảnh giác” là không bao giờ thừa.

Theo Báo Lao Động/Đào Tuấn

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi xuất bản